Thứ Hai, 1 tháng 1, 2001

Một số bệnh về da ở trẻ sơ sinh

Những nốt ban trên da có thể xuất hiện cả vào mùa hè hay mùa đông, kéo dài vài ngày hoặc vài tuần sau khi bé chào đời, cũng có khi bé còn phải đối mặt với chứng viêm mủ hoặc chốc lở trên da. Dưới đây là một số bệnh về da thường gặp ở trẻ sơ sinh.

Phát ban đỏ

Vài ngày sau khi chào đời, bé có thể xuất hiện những mảng ban, còn được gọi là “phát ban đỏ”. Những nốt ban trông hơi giống nốt muỗi cắn, có kèm theo đầu mủ màu trắng vàng trên mỗi nốt ban. Ban thường nổi trên người bé nhưng cũng có khi chúng xuất hiện trên mặt, tay và chân. Những nốt ban này xuất hiện trong vòng một thời gian ngắn nên bạn không cần lo lắng và cũng không cần phải điều trị cho bé.

Nên tránh cạy (hoặc ép) nốt ban vì bạn có thể khiến da bé bị nhiễm khuẩn. Chứng ban đỏ thường tự biến mất sau khi bé được khoảng 7 - 10 ngày tuổi.

Nên giữ vệ sinh da thật tốt cho trẻ.

Rôm sảy

Là những nốt nhỏ, có màu đỏ và thường tập hợp thành từng đám trên da. Chúng có xu hướng “sinh sống” trên đầu, cổ và thân mình, đặc biệt là những vùng da gấp (nơi mà không khí khó lưu thông) trên cơ thể bé. Quần áo quá chật hoặc dày sẽ khiến chứng rôm sảy ở bé tồi tệ hơn. Vì thế, bạn nên mặc trang phục mỏng, nhẹ, thấm mồ hôi cho bé. Phần lớn các bé đều mắc chứng rôm sảy, cho dù đó là mùa nào trong năm, ngay khi bé vừa tiếp xúc với môi trường sống bên ngoài tử cung mẹ.

Nổi ban do hormone

Sự thay đổi hormone có thể gây nên những nốt ban nhỏ trắng trên mặt, tai và lông mày của bé. Đây là loại hormone được sản xuất ra trong quá trình mẹ chuyển dạ, nó có chức năng kích thích tuyến dầu dưới da của bé, dẫn tới những nốt ban. Ban do hormone còn được biết đến với cái tên “ban sữa”. Nhìn chung, chứng phát ban trong vòng một tháng đầu tiên ở bé không gây hại và nó sẽ nhanh chóng biến mất để trả lại cho bé một làn da khỏe đẹp. Bạn cũng không cần phải thay đổi chế độ ăn (khi bạn đang trong giai đoạn cho bé “ti mẹ” hoặc đổi sữa ngoài). Sau 3 tháng, chứng phát ban ở bé có thể xảy đến khi một vùng da trên cơ thể của bé tiếp xúc với nước tiểu, phân, nước bọt hoặc mồ hôi. Nếu vùng da bị ban ngày một lan rộng (gần như bao phủ cả người bé) thì nguyên nhân gây ban trong trường hợp này có thể liên quan đến việc dùng thuốc ở bé. Nếu phát ban kèm theo những triệu chứng bệnh, bạn nên đưa bé đi khám.

Viêm mủ da

Là những vết tẩy nhỏ trông giống như mụn mủ xuất hiện trên da của bé. Chúng được gây ra bởi vi khuẩn staphylococcus và thường xuất hiện ở vùng da gấp là cổ và dưới cánh tay. Viêm mủ da có thể bị nhầm lẫn với chứng phát ban đỏ, trừ khi nó không tự nhiên biến mất mà kéo dài; khi ấy, bạn nên đưa bé đi khám. Nếu khỏe mạnh và được chăm sóc tốt, bé sẽ nhanh chóng khỏi viêm da mà không cần điều trị tại bệnh viện. Bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn sử dụng một số kem bôi ngoài da cho bé. Nếu bé sinh mổ, sức khỏe yếu hoặc những nốt viêm da lan rộng, bác sĩ có thể cho bé dùng kháng sinh.

Bệnh chốc lở

Trông giống như những vết phồng rộp trên da, kèm theo mủ màu vàng. Bệnh này dễ lây lan từ bé này sang bé khác (khi bé còn nằm trong bệnh viện), lây từ người chăm sóc bé sang bé... Bệnh gây ra bởi một loại vi khuẩn và thường khiến bé khởi phát bệnh khoảng 2 - 5 ngày sau khi bé bị vi khuẩn xâm nhập vào da.

BS. NGỌC HUÊ

Lợn mắc bệnh `lọt` qua khâu kiểm dịch gây nguy hiểm thế nào?

Có hay không cán bộ kiểm dịch thú y thông đồng, tiếp tay gieo rắc mầm bệnh cho cộng đồng và giúp người dân hiểu hơn về mức độ nguy hiểm và các loại bệnh lây từ lợn sang người và cách phòng tránh. Số lợn bị bệnh từ trước đến nay tại lò mổ này được cán bộ kiểm dịch thú y "cho qua" , mặc dù chưa rõ số lợn này mắc bệnh gì, chúng đã nhanh chóng được đưa đến đã đến các quán ăn, nhà hàng và vào từng bữa ăn của các gia đình. Hiện chưa có thống kê nào về bệnh từ lợn lây sang người tại Quảng Bình. Nhưng đây là một việc làm vi phạm pháp luật và gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng. Những con lợn bệnh đã âm thầm được đưa đi khắp hang cùng ngõ hẻm, reo rắc mầm bệnh cho cộng đồng. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ trách nhiệm của các cán bộ thú y này và có biện pháp chẩn chỉnh các lò mổ lợn để góp phần bảo vệ sức khỏe người dân.

Lợn bị bệnh chuẩn bị được đưa vào lò mổ ở Quảng Bình

Phóng viên báo SK&ĐS đã tìm hiểu qua nhiều chuyên gia về y tế, thú y... cho biết: Có 5 bệnh nguy hiểm lây phổ biến:

Bệnh lở mồm long móng: bệnh có thể lây sang người qua đường tiếp xúc ăn uống, virus khi lây nhiễm gây bệnh có thể làm viêm niêm mạc miệng, lở môi, lở miệng... cho người. Thông thường trên miếng thịt đã được cắt ra không thể biết được là từ heo mắc bệnh lở mồm long móng; vì vậy tốt nhất là phải nấu chín thịt thật kỹ để loại trừ mầm bệnh. Ăn tiết canh sống, thịt lợn tái chưa nấu kỹ, nguy cơ lây bệnh lên tới gần 100%.

Lò mổ nhếch nhác, bẩn thỉu kém vệ sinh vẫn được mổ lợn đưa ra thị trường

Bệnh viêm màng não mủ, nhiễm trùng huyết: là 2 căn bệnh dễ lây từ lợn. Những người bị viêm màng não mủ và nhiễm trùng huyết do vi khuẩn Streptococcus suis có thể dẫn đến tử vong từ lợn lây sang người do ăn tiết canh sống, lòng lợn, thịt không đảm bảo vệ sinh.

Nhiễm giun xoắn: đây là bệnh truyền nhiễm cấp hoặc bán cấp tính do ấu trùng giun xoắn gây ra, nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ có những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong. Giun nhiễm từ lợn sang người khi người ăn phải thịt lợn có ấu trùng chưa được nấu chín do ăn các món như nem sống làm từ thịt lợn, ăn thịt lợn tái, thịt hun khói hoặc ướp muối, ăn tiết canh lợn.

Bệnh lợn tai xanh: Đây là căn bệnh thường gây ra đại dịch và làm chết lợn hàng loạt. Bệnh lợn tai xanh không lây sang người nhưng có gần 70% virus này kết hợp với các bệnh khác như cúm lợn, tụ huyết trùng, tả, thương hàn và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Bệnh liên cầu khuẩn: là bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra ở hầu hết các loài động vật máu nóng, trong đó có lợn. Căn bệnh này rất dễ lây nhiễm sang người khi ăn phải tiết canh lợn bị bệnh liên cầu, thực tế ở nước ta, trên 70% bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn là do ăn tiết canh lợn hoặc thịt chưa được nấu chín. Ngoài ra, bệnh còn lây qua đường hô hấp do hít phải liên cầu khuẩn trong không khí do lợn ho hoặc người dân có thói quen ngửi thịt trước khi mua.

Người bị bệnh liên cầu khuẩn từ lợn thường mắc ở hai thể: Ở thể cấp tính, bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết, sốt cao, xuất huyết và hoại tử toàn thân, suy tuần hoàn, suy hô hấp, suy chức năng gan, thận… và tử vong rất nhanh. Ở thể viêm màng não, bệnh nhân sốt cao, đau đầu, nôn mửa và hôn mê, nếu không điều trị sớm bệnh nhân sẽ có di chứng thần kinh như ngớ ngẩn, mất trí nhớ, liệt.

Do vậy, bà con không nên ăn tiết canh sống, thịt lợn tái, ngửi hít khi mua thịt lợn và đến cơ sở y tế khám ngay khi có dấu hiệu bất thường sau khi ăn thịt lợn.

Trần Ánh Dương

Những thói quen xấu của mẹ bầu ảnh hưởng đến trẻ

Đi ngủ muộn

Đồng hồ sinh học của trẻ được thiết lập từ khi còn là bào thai, chính vì vậy, việc mẹ thức khuya, dậy sớm cũng ảnh hưởng đến bé. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, người mẹ thường xuyên thức khuya, chơi đêm sẽ sinh ra những đứa trẻ có xu hướng ngủ đêm ít hơn và thậm chí còn khó tính hơn. Bà mẹ mang thai đi ngủ đúng giờ và có giấc ngủ đêm đủ giấc cũng giúp trẻ sau khi chào đời có thói quen ăn ngủ giống bố mẹ.

Trong thời gian mang thai, mẹ nên từ bỏ những thói quen xấu, dành thời gian nghỉ ngơi đặc biệt là đi ngủ đủ giấc và đúng giờ. Mẹ cần ngủ ít nhất 8 giờ mỗi ngày và có thêm 1 giờ nghỉ trưa. Ngoài ra, mẹ bầu cũng cần tránh xa rượu, thuốc lá, những nơi quá ồn ào để không ảnh hưởng xấu đến bé.

Trong thời gian mang thai, mẹ bầu nên từ bỏ những thói quen xấu

Trong thời gian mang thai, mẹ bầu nên từ bỏ những thói quen xấu

Hay cáu gắt, căng thẳng

Chúng ta đều biết rằng tính cách của thai nhi bị ảnh hưởng rất lớn từ tính cách và tâm trạng của mẹ bầu. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tâm trạng của mẹ thường xuyên stress khi mang bầu có thể dẫn đến những thay đổi trong môi trường vật lý và truyền đến bé qua nhau thai, đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến tính cách của trẻ.

Nếu mẹ bầu thường xuyên ủ rũ, chán nản hay buồn bã thì đứa trẻ sau này sinh ra chắc chắn sẽ không thể hay cười và cũng buồn như mẹ.

Việc duy trì một tâm trạng tốt khi mang thai là rất cần thiết. Mẹ nên tạo tâm lý thoải mái, tránh căng thẳng trong công việc và cuộc sống, đồng thời nên chăm chỉ tập luyện thể thao. Mẹ nên dành 30 phút mỗi ngày để đi bộ hoặc tập những môn thể thao mình yêu thích. Nếu mẹ thực sự cảm thấy mệt mỏi, chán nản, hãy dành thời gian nghỉ ngơi hoặc tâm sự với người thân, bạn bè. Trong sinh hoạt hàng ngày, mẹ bầu cũng nên cải thiện tâm trạng bằng cách xem phim hài, đọc truyện cười hoặc làm những hoạt động mình yêu thích… sẽ giúp cải thiện tâm trạng rất tốt.

Ít vận động


Khi mang thai, nhiều thai phụ thường nghĩ rằng đây là thời gian mình cần được nghỉ ngơi nhiều và gia đình cũng ưu tiên hết mức. Vì vậy, thai phụ thường không làm việc và chỉ nằm một chỗ. Đây chính là quan niệm hoàn toàn sai lầm và dễ sinh ra những đứa trẻ kém phát triển.

Thực tế, thai phụ và em bé có sự kết nối thông tin rất mật thiết. Khi mẹ làm việc, suy nghĩ đầu óc hay vận động chân tay thì em bé đều cảm nhận được và đó như sợi dây vô tình kết nối hai mẹ con. Mẹ lười học tập, lao động sẽ sinh ra những em bé cũng sẽ lười biếng, kém phát triển trí não.

Hãy để bộ não của bạn làm việc cho dù bạn đang bầu bí vì như thế sẽ giúp não bộ của bé cũng được kích thích đấy. Mẹ hãy cứ đọc sách, nghe nhạc, thậm chí là suy nghĩ về công việc để thúc đẩy sự phát triển trí tuệ của thai nhi.

Ăn uống không đủ hoặc không đúng bữa


Việc mẹ kén ăn có thể ảnh hưởng đến sự dung nạp dinh dưỡng cho cơ thể, khiến cơ thể không đủ chất. Hơn thế nữa, chế độ ăn không đủ chất của mẹ còn ảnh hưởng đến sở thích ăn uống của bé nữa. Vì thế, mẹ tuyệt đối không nên chỉ ưu tiên những thực phẩm mình thích mà bỏ qua những món ăn giàu dưỡng chất khác. Điều này không tốt với sự hình thành sở thích ăn uống của bé chút nào.

Một số thai phụ kén ăn cũng có thể khiến thai phụ bị thiếu hụt chất dinh dưỡng nhất định. Chẳng hạn như thiếu axit folic vào đầu thai kỳ có thể gây dị tật thai nhi, dị tật ống thần kinh. Vì vậy, trong quá trình mang thai, bà mẹ nên cố gắng ăn đủ bữa, đúng giờ, sinh hoạt điều độ và nên kiểm tra sức khỏe thường xuyên để phát hiện bệnh và được tư vấn các biện pháp phòng và điều trị để bé khi sinh ra phát triển hoàn thiện.

(Theo Tatra, Metrol, The Time)

Lưu Minh Quân

Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Những điều ít biết về bệnh tự kỷ

Dưới đây là những điều bạn có thể không biết về rối loạn tự kỷ ở trẻ em.

Có thể chẩn đoán bệnh từ rất sớm

Hầu hết các chẩn đoán xảy ra ở 24 tháng hoặc lớn hơn, lúc đó chẩn đoán được xem là rất đáng tin cậy, thế nhưng rối loạn này có thể được phát hiện sớm hơn khi trẻ dưới 18 tháng tuổi. Không có xét nghiệm y khoa hoặc xét nghiệm máu cho chứng tự kỷ, vì vậy, các bác sĩ thường đánh giá hành vi của trẻ thông qua sàng lọc phát triển và sau đó là đánh giá chẩn đoán toàn diện, bao gồm các xét nghiệm thính giác, thị lực và thần kinh. Bác sĩ cũng có thể đề nghị trẻ được thăm khám bởi một chuyên gia nhi khoa khác để hỗ trợ cho chẩn đoán chứng tự kỷ.

Có rất nhiều triệu chứng

Triệu chứng rối loạn phổ tự kỷ (ASD) có thể khác nhau (từ nhẹ đến nặng) tùy thuộc vào từng cá nhân.Tuy nhiên, các triệu chứng của rối loạn này nói chung có khuynh hướng liên quan đến kỹ năng giao tiếp và hành vi xã hội, như cực kỳ lén lút, không muốn chơi với các trẻ khác hoặc không liên lạc bằng mắt. Trẻ có rối loạn phổ tự kỷ có thể lặp lại các hành vi nhất định (như vỗ tay) nhiều lần hoặc chúng có thể bị ám ảnh bởi một đồ chơi đặc biệt. Thiếu kỹ năng nói là một trong những triệu chứng nổi bật nhất (20 - 30% người có ASD được ước tính là không nói), nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng. Một gợi ý cho cha mẹ để nhận diện sớm trẻ tự kỷ là trẻ rất nhạy cảm với tiếng ồn, thể hiện cơn cáu giận một cách dữ dội, không trả lời, không bị “hấp dẫn” bởi các vật thể thú vị trước 18 tháng.

Những điều ít biết về bệnh tự kỷ

Trẻ mắc tự kỷ thường dễ mắc thêm bệnh lý khác.

Tỷ lệ dường như đang tăng lên

Số liệu thống kê về chứng tự kỷ có thể thay đổi nhưng Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ước tính khoảng 1 trong số 68 trẻ em ở Hoa Kỳ mắc chứng rối loạn tự kỷ trong giai đoạn 2000-2010 so với 1 trong 150 trường hợp vào năm 2000. Nguyên nhân được đưa ra có thể là do sự gia tăng nhận thức chung của tất cả mọi người về bệnh lý này đối với cuộc sống của đứa trẻ và cũng có thể do tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh đang thay đổi dẫn đến nhiều trẻ được xác định bệnh hơn.

Trẻ trai có nhiều khả năng mắc bệnh hơn

Các rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ trai được chẩn đoán cao gấp 4,5 lần so với trẻ gái. Nguyên nhân được cho là trẻ gái ít được quan tâm đến vấn đề này hơn so với trẻ trai. Khi một trẻ gái nhút nhát, không nói chuyện hay chỉ thích chơi một mình thì người ta thường cho rằng đó là tính cách của con gái nên sẽ không có vấn đề gì. Nhưng đối với trẻ trai, dường như mọi người có quan niệm rằng chúng thường nghịch ngợm, chạy nhảy, chơi với bạn bè nên khi thấy trẻ không muốn chơi với bạn bè của mình thì lập tức được chú ý đúng mức với các chẩn đoán của bác sĩ.

Tự kỷ có thể bắt đầu trước khi sinh

Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân gây ra chứng tự kỷ. Hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng sự kết hợp các yếu tố di truyền và môi trường làm tăng nguy cơ phát triển chứng rối loạn phổ tự kỷ nhưng vẫn còn nhiều điều chưa biết. Gần đây, đã có bằng chứng mới cho thấy trẻ em có thể bắt đầu phát triển chứng tự kỷ trước khi chúng được sinh ra dựa vào sự phát triển các tế bào não. Một số yếu tố nguy cơ dẫn đến trẻ mắc tự kỷ có thể dự đoán trước khi sinh như người mẹ dùng thuốc điều trị động kinh trong thời kỳ mang thai, người mẹ lớn tuổi hay có anh chị em ruột bị chứng tự kỷ.

Trẻ tự kỷ có nhiều khả năng mắc các bệnh khác

Khoảng 2% người mắc chứng ASD có triệu chứng nhiễm sắc thể X dễ gãy (hội chứng Fragile X) gây tình trạng khuyết tật trí tuệ. Ngoài ra, khoảng 39% người tự kỷ mắc chứng động kinh khi họ trưởng thành. Hơn nữa, những người có ASD cũng có thể dễ bị lo lắng, tăng động giảm chú ý (ADHD), trầm cảm, các vấn đề về ngủ, dị ứng và các vấn đề về dạ dày.

Vắc-xin không gây ra chứng tự kỷ

Sở dĩ có nghi vấn vắc-xin gây ra chứng tự kỷ là từ một nghiên cứu nhỏ năm 1998 tại Mỹ tuyên bố tìm thấy mối liên quan giữa vắc-xin phòng sởi, quai bị và chứng tự kỷ nhưng nghiên cứu này đã bị coi là thiếu sót và tạp chí xuất bản nghiên cứu này cũng đã thu hồi lại nó. Bên cạnh đó, thimerosal - một thành phần vắc-xin khác cũng đã từng được coi là nguyên nhân làm tăng nguy cơ tự kỷ cũng không liên quan đến ASD và từ năm 2001, thành phần này đã không có trong vắc-xin nữa. Và nghiên cứu tiếp theo đã liên tục khẳng định vắc-xin an toàn và không có mối liên hệ giữa tiêm chủng cho trẻ em và chứng tự kỷ.

Can thiệp sớm là chìa khóa

Không có phương pháp chữa bệnh tự kỷ nhưng sự can thiệp sớm có thể giúp trẻ em tự kỷ phát triển mạnh. Ứng dụng phân tích hành vi (ABA) và nghề nghiệp, ngôn từ và các liệu pháp vật lý thường được sử dụng. ABA có thể được áp dụng nhiều nhất do nó hoạt động bằng cách xác định các lý do tại sao trẻ em bị tự kỷ thường có những hành động bất thường, chẳng hạn như sự giận dữ và vẫy tay thường bị kích hoạt bởi sự thất vọng của việc không thể diễn tả rằng mình đang đói. Việc trẻ càng sớm được chẩn đoán và chữa trị tự kỷ càng có nhiều lợi thế khi giao tiếp và kỹ năng xã hội. Ngoài ra, cũng có những loại thuốc giúp quản lý một số triệu chứng của ASD như thuốc chống trầm cảm, thuốc chống động kinh hoặc thuốc tăng cường sự tập trung.

Khánh Xuân

((Theo health.com))

Vì sao mùa hè vẫn cần uống nước ấm?

- Khi uống đồ uống lạnh, cơ thể bạn phải tập trung điều tiết nhiệt độ. Điều này sẽ làm chậm quá trình hấp thu chất dinh dưỡng.

- Ngoài ra, hàm lượng chất béo trong những thực phẩm bạn ăn có thể được cứng hóa khi bạn dùng nước có đá trong bữa ăn. Vì vậy, nó có thể làm chậm quá trình tiêu hóa mỡ.

- Đồ uống lạnh có xu hướng làm co các mạch máu. Trên thực tế, quá trình tiêu hóa sẽ bị chậm lại và cơ thể không được hydrat hóa thích hợp với nước lạnh.

Vi-sao-mua-he-van-can-uong-nuoc-am

- Bạn có thể bị lạnh sau khi uống nước lạnh. Nước lạnh làm cho hệ miễn dịch của bạn yếu đi vì nhiều chất nhầy được tạo ra trong cơ thể nếu bạn uống nước đá sau một bữa ăn no.

- Cơ thể sẽ được thải độc tốt hơn với nước ấm. Nước ấm tốt cho thận, máu và làn da của bạn.

- Khi bạn uống nước ấm, thực phẩm sẽ được tiêu hóa dễ dàng. Vì vậy cơ thể sẽ đủ nước.

- Nhu động ruột có xu hướng tốt hơn với nước ấm. Uống nước chanh ấm buổi sáng là một thói quen tốt bạn nên duy trì.

BS. Tuyết Mai/Univadis

(theo Boldsky)

Cắt amidan có hết viêm họng không?

Trần Thị Nhung(Thanh Hóa)

Nhiều người bị viêm họng thường sưng amidan. Nhưng không phải hễ viêm họng là sưng amidan. Chẳng hạn các trường hợp viêm họng mà không có sưng amidan như: viêm họng do cảm lạnh, do dị ứng với thời tiết, viêm họng trong bệnh cúm. Amidan là tổ chức lympho ở vùng hầu họng, nằm ở hai bên lưỡi gà. Người ta cắt amidan trong các trường hợp: bị viêm amidan nhiều lần hay tái phát, amidan quá to ảnh hưởng đến thở và nuốt, amidan là ổ nhiễm khuẩn. Viêm họng là do nhiễm khuẩn bởi các loại vi khuẩn thường gặp như: liên cầu, tụ cầu, nấm… không liên quan đến tuyến amidan.

Nên dù có cắt amidan hay không thì bệnh viêm họng vẫn có thể xảy ra. Việc điều trị viêm họng do nhiễm khuẩn cần dùng kháng sinh thích hợp, kết hợp các thuốc chữa triệu chứng như thuốc hạ nhiệt giảm đau chống viêm, thuốc ho, thuốc giảm tiết đờm, mà không cần phải cắt amidan. Do đó lần sau con bạn bị viêm họng, bạn nên đưa cháu đi khám ở bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị đúng. Nếu cần cắt amidan thì bác sĩ sẽ chỉ định cắt cho cháu. Hiện nay đã sang mùa đông, bạn cần cho con mặc ấm và luôn giữ ấm vùng cổ để tránh bị viêm họng.

BS. Nguyễn Thị Loan

Biểu hiện khi mắc cúm

Phạm Thị Thuý(phamthuy@gmail.com)

Trên lâm sàng bệnh cúm biểu hiện ở mỗi người có khác nhau. Một số thể nhẹ có thể không rõ triệu chứng hoặc giống cảm lạnh chỉ có hắt hơi, sổ mũi, ho, nhưng có thể gặp thể nặng, rất nặng do biến chứng hô hấp, tim mạch, thần kinh. Thể thường gặp là sau thời gian nung bệnh ngắn, khoảng một ngày, bệnh khởi phát rất đột ngột: sốt, rét run nhiều lần trong ngày, thân nhiệt tăng lên 39-400 ngay ngày đầu, kéo dài 3-5 ngày kèm theo là mệt mỏi, đau nhức toàn thân, đầu đau như búa bổ, đau các cơ xương khớp, chân tay rã rời, da khô nóng, mặt bừng bừng, mắt chói, chảy nước mắt, sổ mũi, ngạt mũi, đau rát họng, có khi ho tức ngực, khạc đờm hoặc chảy máu cam, miệng đắng, buồn nôn, táo bón. Sau đó nhiệt độ giảm dần, các triệu chứng toàn thân giảm dần trong 5-7 ngày. Về điều trị: vì cúm là do virut do vậy hiện nay không có thuốc điều trị đặc hiệu mà chủ yếu điều trị triệu chứng bằng các thuốc giảm đau, hạ sốt, thuốc chống ngạt mũi, thuốc chống dị ứng để giảm ho và giảm tiết chất nhày, thuốc xịt mũi co mạch để dễ thở. Thời gian trung bình các kháng thể tiêu diệt hoàn toàn virut cúm thường kéo dài hàng tuần có khi hơn. Do đó, người mắc cúm chỉ khỏi hoàn toàn sau khoảng 10 -14 ngày, có khi cảm giác khó chịu kéo dài hàng tháng. Do vậy khi có triệu chứng nghi cúm cần đi khám sớm để xác định bệnh và được hướng dẫn điều trị phù hợp thì bệnh mới nhanh khỏi.

BS. Vũ Lan Anh

Thoái hóa khớp hay viêm khớp dạng thấp?

Mai Thị Thanh (maithanh@gmail.com)

Thoái hóa khớp là tình trạng phá hủy sụn khớp có biểu hiện đặc trưng là sự hình thành các gai xương do hiện tượng hao mòn xương gây ra. Thoái hóa khớp chỉ ảnh hưởng đơn thuần đến khớp và có thể ảnh hưởng đến nhiều khớp khác nhau như bàn tay, khớp gối, khớp cột sống và khớp háng. Ngoài gây đau và cứng khớp, thoái hóa khớp còn làm hạn chế vận động. Trong khi đó viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn. Hiểu đơn giản là hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công chính các tế bào khỏe mạnh của cơ thể, là một dạng viêm khớp mạn tính trong đó lớp bao hoạt dịch của khớp bị viêm. Bao hoạt dịch đóng vai trò như một cái bao để bảo vệ khớp. Các tế bào của bao hoạt dịch cũng sản xuất các chất giúp bôi trơn khớp. Khi mà bao hoạt dịch này bị viêm, nó sẽ dày lên và căng đầy dịch. Điều này làm cho khớp bị sưng lên và có thể gây đau, cứng khớp, thậm chí có thể mất hoàn toàn vận động khớp. Viêm khớp dạng thấp cũng có thể ảnh hưởng đến các phần khác của cơ thể ngoài khớp, chẳng hạn như: da, các dây thần kinh, gân, cơ, mắt, tim, thận và phổi. Những bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp cũng có thể biểu hiện triệu chứng mệt mỏi. Xét nghiệm máu có thể giúp loại trừ viêm khớp dạng thấp, và chụp Xquang có thể giúp đánh giá được mức độ tổn thương do thoái hóa khớp. Vì vậy, để biết bị thoái hóa khớp hay viêm khớp dạng thấp, bác cần khám tại chuyên khoa xương khớp.

BS. Đinh Thị Thanh

Ung thư phụ khoa không phải là “án tử” nếu phụ nữ làm điều này sớm hơn

Vốn là một người phụ nữ tự tin, năng động, chị N. đang có cuộc sống viên mãn bên người chồng và 2 đứa con nhỏ. Hạnh phúc ấy ngỡ như sẽ kéo dài bất tận nếu như không có biến cố ngày hôm nay – là kết quả của sự chủ quan, thờ ơ với chính sức khỏe của mình. Khi mà cách đây gần 1 năm, chị bắt đầu thấy ngực mình bị lệch bất thường, thỉnh thoảng sờ thấy có những u cục. Cứ nghĩ đây chỉ là những biểu hiện bình thường của phụ nữ đến kỳ kinh nên không quá chú tâm để ý. Nhưng rồi hiện tượng này xuất hiện ngay cả những khi không đến tháng khiến chị không chịu được nữa mới đi viện khám. Cầm kết quả xét nghiệm trên tay, chị không tin vào tai mình khi bác sĩ kết luận chị bị ung thư vú ở giai đoạn muộn, phải cắt bỏ một bên ngực, kết quả điều trị chưa dám chắc điều gì.

Tầm soát ung thư vú sớm làm tăng cơ hội điều trị và giảm nguy cơ tử vong cho người bệnh

Mọi chuyện quá bàng hoàng, chị đã mơ hồ nghĩ đến những điều khủng khiếp mà mình và gia đình sẽ phải đối mặt. Giá như chị quan tâm đến mình hơn, đi khám sớm hơn thì có khi không phải cắt bỏ ngực, cũng như không nguy hiểm đến mạng sống. Trường hợp của chị D.P.N chỉ là một trong số rất nhiều phụ nữ đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn và nhận tin “sét đánh”. Thực tế, đã có rất nhiều chị em gặp tình trạng tương tự như chị D.P.N khi chủ quan không thăm khám định kỳ, khám tầm soát ung thư phụ khoa để bệnh phát triển đến giai đoạn cuối và phải đối mặt nguy cơ tử vong khi phát hiện bệnh muộn. Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Ngọc, khoa Sản- Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn cho biết: “Thời gian công tác tại khoa sản, tôi đã chứng kiến sự đau khổ của không biết bao nhiêu chị em khi được chuẩn đoán ung thư. Gần đây nhất cũng có một bệnh nhân nữ khoảng 40 tuổi. Chị này vốn làm nông nghiệp nên rất hiếm khi chị đi kiểm tra sức khỏe định kỳ mà hàng ngày chỉ biết đến những công việc đồng áng, chăm sóc con và gia đình. Thời gian gần đây chị thấy kinh nguyệt không đều, thường xuyên ra nhiều khí hư và đặc biệt ra máu sau quan hệ. Thấy hiện tượng kéo dài và xuất hiện thường xuyên chị mới đi viện khám và được kết luận bị ung thư cổ tử cung cần được tiếp nhận điều trị sớm.

Mỗi phụ nữ cần nhận biết dấu hiệu sớm và khám sàng lọc ung thư định kỳ để phát hiện và điều trị bệnh tốt hơn

Điều đáng tiếc là các bệnh ung thư cổ tử cung có thể chữa khỏi với tỉ lệ thành công cao nhưng rất nhiều bệnh nhân chủ quan, coi thường sức khỏe của chính mình nên khi đến đây đều đã ở giai đoạn muộn khiến việc điều trị và cơ hội sống của người bệnh giảm đi rất nhiều”. Cũng theo bác sĩ Nguyễn Thị Bích Ngọc, ung thư phụ khoa ở giai đoạn đầu hoặc có những tổn thương về tiền ung thư thì thường không có hay có ít các triệu chứng đặc hiệu. Dấu hiệu ung thư phụ khoa chỉ xuất hiện rõ ràng khi các tế bào ác tính phát triển nhanh và xâm lấn vào các tổ chức lân cận. Do vậy, có triệu chứng mới đi khám không phải là cách tốt nhất để điều trị hiệu quả. Tất cả những phụ nữ đã có quan hệ tình dục, đã sinh con nên tầm soát ung thư định kỳ trước khi có bất kỳ triệu chứng nào, nhờ đó bệnh có thể phát hiện rất sớm và chữa khỏi hoàn toàn. Nhằm khuyến khích chị em phụ nữ tầm soát ung thư, bảo vệ sức khỏe, Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn đã xây dựng và triển khai dịch vụ tầm soát ung thư vú và ung thư cổ tử cung cùng danh mục khám chi tiết, rõ ràng. Với mong muốn chia sẻ gánh nặng về kinh tế cho chị em phụ nữ có nhu cầu khám và tầm soát ung thư, bệnh viện thực hiện ưu đãi giảm 20% tất cả các dịch vụ tầm soát cho chị em trong tháng 3. Để biết thông tin chi tiết các dịch vụ tầm soát ung thư phụ khoa, xem tại đây hoặc gọi đến tổng đài 1900 59 98 58

Ai đủ tiêu chuẩn hiến máu?

Sau khi hiến máu cần phải làm gì?

Trần Vũ (Lạng Sơn)

Máu của chúng ta có nhiều thành phần, mỗi thành phần chỉ có thời gian sống nhất định và luôn luôn được đổi mới, vì thế, việc hiến máu khoa học sẽ không ảnh hưởng tới sức khỏe. Theo quy chế truyền máu, mỗi lần hiến không quá 9ml/kg cân nặng. Như vậy, người từ 45kg có thể hiến từ trên 350ml máu mỗi lần mà không ảnh hưởng tới sức khỏe. Việc hiến máu với lượng như thế nào là tùy vào cân nặng và lượng huyết sắc tố của người hiến máu, bác sĩ sẽ quyết định mỗi người hiến được lượng máu bao nhiêu là phù hợp, có thể xê dịch từ 250ml, 350ml hoặc 450ml... Với người hiến máu nhắc lại, phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa hai lần cho máu là 84 ngày. Do lượng máu trong cơ thể mỗi người khoảng từ 70 - 77ml/kg cân nặng, mỗi lần hiến máu lại không quá 9ml/kg cân nặng, nên chúng ta có thể hiến máu nhiều lần mà sức khỏe vẫn hoàn toàn tốt.

Tuy nhiên, để bảo đảm sức khỏe khi hiến máu, người tình nguyện không nên thức khuya, ăn nhẹ, không nên uống rượu, bia trước khi hiến máu. Sau khi hiến máu, không nên uống rượu, bia trong ngày đầu sau khi hiến máu. Trong 2 - 3 ngày sau đó nên sinh hoạt nhẹ nhàng, nghỉ ngơi nhiều hơn bình thường, tránh các hoạt động gắng sức, các trò chơi mang tính đối kháng đòi hỏi tốn nhiều thể lực như: đá bóng, tập tạ, không leo trèo cao, không thức quá khuya, không uống rượu bia. Nên tăng cường sử dụng các chất dinh dưỡng bổ máu như: thịt, gan, trứng, sữa; dùng thêm các thuốc bổ máu nếu có thể.

BS. Phạm Thu Thủy

Quả xoài hạ glucose máu, phòng bệnh đái tháo đường

Xoài có thể điều chỉnh lượng đường trong máu

Thật vậy, quả xoài có thể giúp điều chỉnh lượng đường trong máu và hạn chế tình trạng viêm ở những người béo phì. Theo kết quả của một nghiên cứu mới đây trình bày tại Liên đoàn các Hội Sinh học thực nghiệm Mỹ ở Boston, Khoảng 80% những người bị bệnh đái tháo đường týp 2 là thừa cân hoặc béo phì.

Trong các nghiên cứu trước đó, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy rằng tiêu thụ xoài có tác động tích cực đến mức độ đường trong máu ở chuột. Để đánh giá hiệu quả ở người, họ đã nghiên cứu trên 20 người lớn béo phì - 11 nam và 9 nữ - ăn 10 gram xoài đông khô (tương đương với khoảng 100 gram xoài tươi) mỗi ngày trong 12 tuần. Vào cuối giai đoạn nghiên cứu, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng nồng độ đường trong máu của người tham gia đã giảm đáng kể so với lúc bắt đầu nghiên cứu. Các nhà khoa học lưu ý rằng cần nghiên cứu thêm là cần thiết để đánh giá ảnh hưởng của việc ăn xoài đối với sức khỏe con người.

qua xoai, qua xoai ha glucose mau phong benh dai thao duong

Ngoài tác dụng có lợi tiềm năng của chúng lên nồng độ glucose máu, xoài cũng là nguồn cung cấp vitamin A, C và B6, cũng như chất xơ. Nghiên cứu riêng biệt cũng chỉ ra rằng chất polyphenols (một loại chất chống oxy hóa) được tìm thấy trong xoài tươi có thể hạn chế tình trạng viêm trong các tế bào vú ung thư và không phải ung thư.

Quả xoài hữu ích trong phòng chống bệnh đái tháo đường

Xoài gần đây đã được xác định là một loại thực phẩm đặc biệt hữu ích khi nói đến cuộc chiến chống lại bệnh đái tháo đường.

Mặc dù thực tế rằng xoài chứa nhiều đường tự nhiên, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng trái cây là thực sự rất tốt cho việc quản lý lượng đường trong máu của cơ thể. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý số lượng các loại trái cây nên được tiêu thụ. Các chuyên gia khuyên rằng bạn nên tiêu thụ không quá 120 gram hàng ngày.

Một trong những lý do mà xoài được coi là tốt cho cơ thể là bởi vì họ có chỉ số đường huyết rất thấp. Việc tiêu thụ xoài khi bị bệnh đái tháo đường phụ thuộc vào mức độ đường trong máu của bạn trước khi bạn tiêu thụ trái cây. Điều quan trọng là tránh tiêu thụ xoài quá thường xuyên vì điều này có thể làm tăng lượng đường trong máu gây ra các triệu chứng không tốt. Nước trái cây xoài dùng cho bệnh nhân đái tháo đường cũng rất khuyến khích vì những hiệu ứng tích cực trên các động mạch - qua đó giúp cải thiện lưu thông máu trong cơ thể.

TS.BS. Lê Thanh Hải

(tham khảo Diabetes Self Management)

Ngứa có phải do gan trục trặc?

Nguyễn Hữu Tuân (Hà Nội)

Ngứa trên da có nhiều nguyên nhân, có khi chỉ đơn giản là do da bị khô. Tắm rửa nhiều chỉ làm tình trạng da khô tăng hơn. Ngứa da cũng có thể do nguyên nhân khác như dị ứng, các bệnh về da (eczema, vẩy nến, ghẻ,...), bệnh gan, suy thận, thiếu máu thiếu sắt, các vấn đề về tuyến giáp và ung thư, bao gồm bệnh bạch cầu và Lymphoma. Các bệnh như chứng đa xơ cứng, tiểu đường, dây thần kinh bị chèn ép và bệnh Zona (Herpes Zoster) cũng có thể gây ngứa. Một số thuốc điều trị như kháng sinh, thuốc chống nấm, giảm đau cũng có thể gây phản ứng phụ là ngứa...

Vì bạn không nói rõ ngứa da như thế nào, có tổn thương trên da hay không cùng những yếu tố sức khỏe khác nên khó có thể chẩn đoán.

Nếu bạn chỉ có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu và thường xuyên tắm để giảm cảm giác này mà không ngứa tới mức phải gãi, không có các tổn thương trên da thì có thể chỉ là da bạn quá khô. Nên thực hiện các biện pháp chăm sóc da, giữ ẩm cho da. Không nên tắm nước quá nóng. Sau khi tắm, sử dụng các loại sản phẩm giữ ẩm như kem dưỡng ẩm. Tình trạng này sẽ giảm và hết sau một thời gian chăm sóc da đúng cách.

Tuy nhiên, bạn cần chú ý, nếu da ngứa không giảm bớt sau 2 tuần tự chăm sóc tại nhà thì cần đi khám để xác định nguyên nhân. Lưu ý khi có các triệu chứng khác như: ngứa trên một khu vực nhỏ, kết hợp với các nốt đỏ hoặc ngứa kèm da khô, nứt nẻ, rỉ dịch, kết vẩy... Ngứa đến nỗi luôn tay gãi, gây xây xước nhiễm khuẩn trên da. Ngứa gây mất ngủ, ảnh hưởng tới sinh hoạt bình thường. Ngoài ra, cơ thể có các triệu chứng khác như mệt mỏi, chán ăn, vàng mắt, vàng da, sốt, giảm cân, nước tiểu bất thường về màu sắc...

BS. Lê Hoàng Bách

Rối loạn chức năng tiêu hóa ở trẻ và cách xử trí

Tại Phòng khám Nhi, Bệnh viện Bạch Mai theo dõi trên 23.700 trẻ em tuổi học đường thì có 2,2% trẻ bị đau bụng mạn tính, trong đó chủ yếu là đau bụng mạn tính chức năng. Do đó, việc theo dõi để phát hiện và xử trí là cần thiết giúp các bậc cha mẹ an tâm chăm sóc trẻ khi có những biểu hiện rối loạn chức năng tiêu hóa.

Rối loạn chức năng tiêu hóa (RLCNTH) ở trẻ em thường biểu hiện các triệu chứng ở dạ dày - ruột kéo dài hay mạn tính tùy theo lứa tuổi nhưng không có tổn thương thực thể do bệnh lý. RLCNTH thường biểu hiện các triệu chứng như: nôn trớ, táo bón, tiêu chảy, đau quặn bụng, đau bụng tái diễn, hội chứng ruột kích thích...

Trẻ bị táo bón cần bổ sung thêm thực phẩm giàu chất xơ.

Trẻ bị táo bón cần bổ sung thêm thực phẩm giàu chất xơ.

Các yếu tố liên quan đến RLCNTH

Stress: Stress có tác động trực tiếp tới hệ thần kinh não, ruột, thông tin từ ruột lên não và truyền thông tin từ não xuống ruột là cơ chế phát sinh RLCNTH. Các stress tâm lý như tức giận, sợ hãi, đau đớn đều liên quan đến rối loạn chức năng dạ dày - ruột.

Di truyền: Tiền sử gia đình có người bị RLCNTH như đau bụng tái diễn, hội chứng ruột kích thích... thì trẻ có nguy cơ cao bị các triệu chứng này.

Yếu tố tâm lý: Sự lo âu trầm cảm của trẻ cũng ảnh hưởng đến RLCNTH và RLCNTH càng kéo dài thì sự lo âu trầm cảm càng nặng hơn.

Thức ăn: Trẻ không dung nạp lactose, dị ứng protein sữa bò gây tiêu chảy, chế độ ăn ít chất xơ gây táo bón...

Thay đổi vi khuẩn ở ruột: Hội chứng ruột kích thích xảy ra sau khi sử dụng kháng sinh, sau các đợt tiêu chảy cấp do nhiễm khuẩn là do sự thay đổi vi khuẩn đường ruột.

Một số RLCNTH thường gặp và cách xử trí

Trớ trào ngược: Là tình trạng thức ăn trong dạ dày trào ngược lên thực quản rồi trào ra ngoài miệng. Số lần trớ trào ngược là từ 2 lần hay nhiều lần trong ngày, kéo dài trong 3 tuần hoặc lâu hơn. Trớ trào ngược thường xuất hiện ở trẻ khỏe mạnh từ 3 tuần đến 12 tháng tuổi. Hay gặp nhất là lứa tuổi từ 3-4 tháng và kết thúc khi trẻ hơn 1 tuổi.

Xử trí trớ trào ngược bằng cách: Nếu trẻ đang bú mẹ thì tăng số lần cho bú, chỉnh sửa tư thế cho bú và sau khi cho bú xong thì bế trẻ đầu cao khoảng 10-15 phút rồi mới đặt nằm. Nếu trẻ không có sữa mẹ thì sử dụng các sản phẩm sữa bò có chứa tinh bột để làm tăng độ đặc và sánh đặc trong môi trường acid dạ dày, có tác dụng hạn chế trào ngược. Khi trẻ bắt đầu ăn bổ sung (ăn thêm bột) tình trạng trớ trào ngược sẽ giảm dần. Cần lưu ý khi trẻ bị trớ trào ngược, cần đặt trẻ nằm nghiêng một bên để tránh sặc.

Lưu ý khi trẻ bị trớ trào ngược, cần đặt trẻ nằm nghiêng một bên để tránh sặc.

Lưu ý khi trẻ bị trớ trào ngược, cần đặt trẻ nằm nghiêng một bên để tránh sặc.

Táo bón chức năng: Táo bón là hiện tượng chậm thải phân ra ngoài. Phân thường rắn, khô. Số lần đi đại tiện 2 lần hay ít hơn trong 1 tuần. Táo bón hay gặp ở trẻ ăn sữa bò. Bà mẹ cho con bú bị táo bón thì con thường dễ bị táo bón. Một số trẻ do tâm lý hay thói quen nín nhịn đi ngoài, lười rặn làm cho phân ứ đọng ở trực tràng. Trẻ ít vận động, ngồi nhiều ảnh hưởng đến điều hòa nhu động ruột, mất phản xạ tống phân ra ngoài.

Xử trí bằng cách điều chỉnh chế độ ăn: Trẻ nuôi nhân tạo thì mẹ cần pha sữa đúng theo hướng dẫn, nếu cần thì thay đổi loại sữa khác phù hợp. Chế độ ăn của bà mẹ cho con bú cần bổ sung chất xơ, uống thêm nước để chống táo bón cho cả mẹ và con; sử dụng các thực phẩm có tính nhuận tràng (khoai lang, khoai sọ), các loại rau xanh (rau khoai lang, rau mồng tơi...), hoa quả chín (đu đủ, xoài, cam...); uống đủ nước; thay đổi hành vi, thói quen sinh hoạt: tập cho trẻ thói quen đi đại tiện hàng ngày. Trẻ nhỏ thì xi ỉa, đặt ngồi bô; hoạt động thể lực: thể dục thể thao, tập luyện đều đặn để tăng cường vận động cơ thành bụng và cơ tròn hậu môn; xoa bụng để kích thích nhu động ruột cho trẻ. Xoa nhẹ nhàng vùng quanh rốn theo chiều kim đồng hồ mỗi ngày 2-3 lần, mỗi lần 5-10 phút.

Đau quặn bụng: Thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tháng tuổi. Biểu hiện bằng triệu chứng thường quấy khóc (đã loại trừ bệnh lý khác). Cơn khóc kéo dài và lặp đi lặp lại, kéo dài hàng tuần, hàng tháng, sau đó giảm dần và kết thúc. Trong thời gian này trẻ vẫn ăn uống và phát triển bình thường. Tuy nhiên, trẻ quấy khóc kéo dài làm cho cha mẹ lo lắng, ảnh hưởng đến mối quan hệ mẹ con và gây căng thẳng giữa các thành viên trong gia đình.

Cách xử trí: Bế trẻ để bụng trẻ ép sát vào thành bụng mẹ. Xoa bụng trẻ. Điều quan trọng là mẹ cần bình tĩnh, dỗ trẻ, yêu thương trẻ nhiều hơn.

Lưu ý, khi xử trí các triệu chứng ở trẻ có RLCNTH, cần phải theo dõi vì một số rối loạn tiêu hóa chức năng có thể trở thành rối loạn tiêu hóa thực thể.

PGS.BS. Đào Ngọc Diễn