Thứ Hai, 1 tháng 1, 2001

Một số bệnh về da ở trẻ sơ sinh

Những nốt ban trên da có thể xuất hiện cả vào mùa hè hay mùa đông, kéo dài vài ngày hoặc vài tuần sau khi bé chào đời, cũng có khi bé còn phải đối mặt với chứng viêm mủ hoặc chốc lở trên da. Dưới đây là một số bệnh về da thường gặp ở trẻ sơ sinh.

Phát ban đỏ

Vài ngày sau khi chào đời, bé có thể xuất hiện những mảng ban, còn được gọi là “phát ban đỏ”. Những nốt ban trông hơi giống nốt muỗi cắn, có kèm theo đầu mủ màu trắng vàng trên mỗi nốt ban. Ban thường nổi trên người bé nhưng cũng có khi chúng xuất hiện trên mặt, tay và chân. Những nốt ban này xuất hiện trong vòng một thời gian ngắn nên bạn không cần lo lắng và cũng không cần phải điều trị cho bé.

Nên tránh cạy (hoặc ép) nốt ban vì bạn có thể khiến da bé bị nhiễm khuẩn. Chứng ban đỏ thường tự biến mất sau khi bé được khoảng 7 - 10 ngày tuổi.

Nên giữ vệ sinh da thật tốt cho trẻ.

Rôm sảy

Là những nốt nhỏ, có màu đỏ và thường tập hợp thành từng đám trên da. Chúng có xu hướng “sinh sống” trên đầu, cổ và thân mình, đặc biệt là những vùng da gấp (nơi mà không khí khó lưu thông) trên cơ thể bé. Quần áo quá chật hoặc dày sẽ khiến chứng rôm sảy ở bé tồi tệ hơn. Vì thế, bạn nên mặc trang phục mỏng, nhẹ, thấm mồ hôi cho bé. Phần lớn các bé đều mắc chứng rôm sảy, cho dù đó là mùa nào trong năm, ngay khi bé vừa tiếp xúc với môi trường sống bên ngoài tử cung mẹ.

Nổi ban do hormone

Sự thay đổi hormone có thể gây nên những nốt ban nhỏ trắng trên mặt, tai và lông mày của bé. Đây là loại hormone được sản xuất ra trong quá trình mẹ chuyển dạ, nó có chức năng kích thích tuyến dầu dưới da của bé, dẫn tới những nốt ban. Ban do hormone còn được biết đến với cái tên “ban sữa”. Nhìn chung, chứng phát ban trong vòng một tháng đầu tiên ở bé không gây hại và nó sẽ nhanh chóng biến mất để trả lại cho bé một làn da khỏe đẹp. Bạn cũng không cần phải thay đổi chế độ ăn (khi bạn đang trong giai đoạn cho bé “ti mẹ” hoặc đổi sữa ngoài). Sau 3 tháng, chứng phát ban ở bé có thể xảy đến khi một vùng da trên cơ thể của bé tiếp xúc với nước tiểu, phân, nước bọt hoặc mồ hôi. Nếu vùng da bị ban ngày một lan rộng (gần như bao phủ cả người bé) thì nguyên nhân gây ban trong trường hợp này có thể liên quan đến việc dùng thuốc ở bé. Nếu phát ban kèm theo những triệu chứng bệnh, bạn nên đưa bé đi khám.

Viêm mủ da

Là những vết tẩy nhỏ trông giống như mụn mủ xuất hiện trên da của bé. Chúng được gây ra bởi vi khuẩn staphylococcus và thường xuất hiện ở vùng da gấp là cổ và dưới cánh tay. Viêm mủ da có thể bị nhầm lẫn với chứng phát ban đỏ, trừ khi nó không tự nhiên biến mất mà kéo dài; khi ấy, bạn nên đưa bé đi khám. Nếu khỏe mạnh và được chăm sóc tốt, bé sẽ nhanh chóng khỏi viêm da mà không cần điều trị tại bệnh viện. Bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn sử dụng một số kem bôi ngoài da cho bé. Nếu bé sinh mổ, sức khỏe yếu hoặc những nốt viêm da lan rộng, bác sĩ có thể cho bé dùng kháng sinh.

Bệnh chốc lở

Trông giống như những vết phồng rộp trên da, kèm theo mủ màu vàng. Bệnh này dễ lây lan từ bé này sang bé khác (khi bé còn nằm trong bệnh viện), lây từ người chăm sóc bé sang bé... Bệnh gây ra bởi một loại vi khuẩn và thường khiến bé khởi phát bệnh khoảng 2 - 5 ngày sau khi bé bị vi khuẩn xâm nhập vào da.

BS. NGỌC HUÊ

Lợn mắc bệnh `lọt` qua khâu kiểm dịch gây nguy hiểm thế nào?

Có hay không cán bộ kiểm dịch thú y thông đồng, tiếp tay gieo rắc mầm bệnh cho cộng đồng và giúp người dân hiểu hơn về mức độ nguy hiểm và các loại bệnh lây từ lợn sang người và cách phòng tránh. Số lợn bị bệnh từ trước đến nay tại lò mổ này được cán bộ kiểm dịch thú y "cho qua" , mặc dù chưa rõ số lợn này mắc bệnh gì, chúng đã nhanh chóng được đưa đến đã đến các quán ăn, nhà hàng và vào từng bữa ăn của các gia đình. Hiện chưa có thống kê nào về bệnh từ lợn lây sang người tại Quảng Bình. Nhưng đây là một việc làm vi phạm pháp luật và gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng. Những con lợn bệnh đã âm thầm được đưa đi khắp hang cùng ngõ hẻm, reo rắc mầm bệnh cho cộng đồng. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ trách nhiệm của các cán bộ thú y này và có biện pháp chẩn chỉnh các lò mổ lợn để góp phần bảo vệ sức khỏe người dân.

Lợn bị bệnh chuẩn bị được đưa vào lò mổ ở Quảng Bình

Phóng viên báo SK&ĐS đã tìm hiểu qua nhiều chuyên gia về y tế, thú y... cho biết: Có 5 bệnh nguy hiểm lây phổ biến:

Bệnh lở mồm long móng: bệnh có thể lây sang người qua đường tiếp xúc ăn uống, virus khi lây nhiễm gây bệnh có thể làm viêm niêm mạc miệng, lở môi, lở miệng... cho người. Thông thường trên miếng thịt đã được cắt ra không thể biết được là từ heo mắc bệnh lở mồm long móng; vì vậy tốt nhất là phải nấu chín thịt thật kỹ để loại trừ mầm bệnh. Ăn tiết canh sống, thịt lợn tái chưa nấu kỹ, nguy cơ lây bệnh lên tới gần 100%.

Lò mổ nhếch nhác, bẩn thỉu kém vệ sinh vẫn được mổ lợn đưa ra thị trường

Bệnh viêm màng não mủ, nhiễm trùng huyết: là 2 căn bệnh dễ lây từ lợn. Những người bị viêm màng não mủ và nhiễm trùng huyết do vi khuẩn Streptococcus suis có thể dẫn đến tử vong từ lợn lây sang người do ăn tiết canh sống, lòng lợn, thịt không đảm bảo vệ sinh.

Nhiễm giun xoắn: đây là bệnh truyền nhiễm cấp hoặc bán cấp tính do ấu trùng giun xoắn gây ra, nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ có những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong. Giun nhiễm từ lợn sang người khi người ăn phải thịt lợn có ấu trùng chưa được nấu chín do ăn các món như nem sống làm từ thịt lợn, ăn thịt lợn tái, thịt hun khói hoặc ướp muối, ăn tiết canh lợn.

Bệnh lợn tai xanh: Đây là căn bệnh thường gây ra đại dịch và làm chết lợn hàng loạt. Bệnh lợn tai xanh không lây sang người nhưng có gần 70% virus này kết hợp với các bệnh khác như cúm lợn, tụ huyết trùng, tả, thương hàn và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Bệnh liên cầu khuẩn: là bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra ở hầu hết các loài động vật máu nóng, trong đó có lợn. Căn bệnh này rất dễ lây nhiễm sang người khi ăn phải tiết canh lợn bị bệnh liên cầu, thực tế ở nước ta, trên 70% bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn là do ăn tiết canh lợn hoặc thịt chưa được nấu chín. Ngoài ra, bệnh còn lây qua đường hô hấp do hít phải liên cầu khuẩn trong không khí do lợn ho hoặc người dân có thói quen ngửi thịt trước khi mua.

Người bị bệnh liên cầu khuẩn từ lợn thường mắc ở hai thể: Ở thể cấp tính, bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết, sốt cao, xuất huyết và hoại tử toàn thân, suy tuần hoàn, suy hô hấp, suy chức năng gan, thận… và tử vong rất nhanh. Ở thể viêm màng não, bệnh nhân sốt cao, đau đầu, nôn mửa và hôn mê, nếu không điều trị sớm bệnh nhân sẽ có di chứng thần kinh như ngớ ngẩn, mất trí nhớ, liệt.

Do vậy, bà con không nên ăn tiết canh sống, thịt lợn tái, ngửi hít khi mua thịt lợn và đến cơ sở y tế khám ngay khi có dấu hiệu bất thường sau khi ăn thịt lợn.

Trần Ánh Dương

Những thói quen xấu của mẹ bầu ảnh hưởng đến trẻ

Đi ngủ muộn

Đồng hồ sinh học của trẻ được thiết lập từ khi còn là bào thai, chính vì vậy, việc mẹ thức khuya, dậy sớm cũng ảnh hưởng đến bé. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, người mẹ thường xuyên thức khuya, chơi đêm sẽ sinh ra những đứa trẻ có xu hướng ngủ đêm ít hơn và thậm chí còn khó tính hơn. Bà mẹ mang thai đi ngủ đúng giờ và có giấc ngủ đêm đủ giấc cũng giúp trẻ sau khi chào đời có thói quen ăn ngủ giống bố mẹ.

Trong thời gian mang thai, mẹ nên từ bỏ những thói quen xấu, dành thời gian nghỉ ngơi đặc biệt là đi ngủ đủ giấc và đúng giờ. Mẹ cần ngủ ít nhất 8 giờ mỗi ngày và có thêm 1 giờ nghỉ trưa. Ngoài ra, mẹ bầu cũng cần tránh xa rượu, thuốc lá, những nơi quá ồn ào để không ảnh hưởng xấu đến bé.

Trong thời gian mang thai, mẹ bầu nên từ bỏ những thói quen xấu

Trong thời gian mang thai, mẹ bầu nên từ bỏ những thói quen xấu

Hay cáu gắt, căng thẳng

Chúng ta đều biết rằng tính cách của thai nhi bị ảnh hưởng rất lớn từ tính cách và tâm trạng của mẹ bầu. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tâm trạng của mẹ thường xuyên stress khi mang bầu có thể dẫn đến những thay đổi trong môi trường vật lý và truyền đến bé qua nhau thai, đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến tính cách của trẻ.

Nếu mẹ bầu thường xuyên ủ rũ, chán nản hay buồn bã thì đứa trẻ sau này sinh ra chắc chắn sẽ không thể hay cười và cũng buồn như mẹ.

Việc duy trì một tâm trạng tốt khi mang thai là rất cần thiết. Mẹ nên tạo tâm lý thoải mái, tránh căng thẳng trong công việc và cuộc sống, đồng thời nên chăm chỉ tập luyện thể thao. Mẹ nên dành 30 phút mỗi ngày để đi bộ hoặc tập những môn thể thao mình yêu thích. Nếu mẹ thực sự cảm thấy mệt mỏi, chán nản, hãy dành thời gian nghỉ ngơi hoặc tâm sự với người thân, bạn bè. Trong sinh hoạt hàng ngày, mẹ bầu cũng nên cải thiện tâm trạng bằng cách xem phim hài, đọc truyện cười hoặc làm những hoạt động mình yêu thích… sẽ giúp cải thiện tâm trạng rất tốt.

Ít vận động


Khi mang thai, nhiều thai phụ thường nghĩ rằng đây là thời gian mình cần được nghỉ ngơi nhiều và gia đình cũng ưu tiên hết mức. Vì vậy, thai phụ thường không làm việc và chỉ nằm một chỗ. Đây chính là quan niệm hoàn toàn sai lầm và dễ sinh ra những đứa trẻ kém phát triển.

Thực tế, thai phụ và em bé có sự kết nối thông tin rất mật thiết. Khi mẹ làm việc, suy nghĩ đầu óc hay vận động chân tay thì em bé đều cảm nhận được và đó như sợi dây vô tình kết nối hai mẹ con. Mẹ lười học tập, lao động sẽ sinh ra những em bé cũng sẽ lười biếng, kém phát triển trí não.

Hãy để bộ não của bạn làm việc cho dù bạn đang bầu bí vì như thế sẽ giúp não bộ của bé cũng được kích thích đấy. Mẹ hãy cứ đọc sách, nghe nhạc, thậm chí là suy nghĩ về công việc để thúc đẩy sự phát triển trí tuệ của thai nhi.

Ăn uống không đủ hoặc không đúng bữa


Việc mẹ kén ăn có thể ảnh hưởng đến sự dung nạp dinh dưỡng cho cơ thể, khiến cơ thể không đủ chất. Hơn thế nữa, chế độ ăn không đủ chất của mẹ còn ảnh hưởng đến sở thích ăn uống của bé nữa. Vì thế, mẹ tuyệt đối không nên chỉ ưu tiên những thực phẩm mình thích mà bỏ qua những món ăn giàu dưỡng chất khác. Điều này không tốt với sự hình thành sở thích ăn uống của bé chút nào.

Một số thai phụ kén ăn cũng có thể khiến thai phụ bị thiếu hụt chất dinh dưỡng nhất định. Chẳng hạn như thiếu axit folic vào đầu thai kỳ có thể gây dị tật thai nhi, dị tật ống thần kinh. Vì vậy, trong quá trình mang thai, bà mẹ nên cố gắng ăn đủ bữa, đúng giờ, sinh hoạt điều độ và nên kiểm tra sức khỏe thường xuyên để phát hiện bệnh và được tư vấn các biện pháp phòng và điều trị để bé khi sinh ra phát triển hoàn thiện.

(Theo Tatra, Metrol, The Time)

Lưu Minh Quân